Những Thực Phẩm Giúp Tăng Cường Hệ Miễn Dịch Tốt
ĂN RAU CỦ CHỨA NHIỀU VITAMIN VÀ DƯỠNG CHẤT CÓ THỂ GIÚP NÂNG CAO SỨC ĐỀ KHÁNG
Contents
- Những Thực Phẩm Giúp Tăng Cường Hệ Miễn Dịch Tốt
- Món ăn dinh dưỡng cho bé
- Hãy chú ý đến sức mạnh của rau củ
- Giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt, đào thải những chất có hại
- Không nên cung cấp chất dinh dưỡng quá mức cần thiết cho trẻ!
- Đến 5 tuổi, trẻ bắt đầu có nhận thức rõ ràng về thế giới quanh mình
- Thực phẩm theo mùa cũng giúp nâng cao sức đề kháng
- Rong biển giúp nâng cao sức đề kháng
- Hãy thường xuyên đưa rong biển vào khẩu phần ăn hằng ngày
- Mỗi ngày hãy nhớ ăn các loại rong biển!
- Chất phụ gia có thể gây ra bệnh dị ứng
- Những yếu tố không thể thiếu trong xã hội hiện đại
- Mức độ nguy hiểm của chất phụ gia
- Thức ăn liền, thức ăn công nghiệp làm tăng nguy cơ bị dị ứng
- Các căn cứ để đặt ra thời hạn thực phẩm
- Tập thói quen cảm nhận bằng nhiều giác quan
- Nhiệt độ cao làm suy yếu vi khuẩn hình que
- Nguyên nhân, dấu hiệu của ngộ độc thức ăn
- Sử dụng những phương thức tự nhiên để nâng cao hệ miễn dịch.
- Những nguyên liệu nào có thể giúp nâng cao hệ miễn dịch?
- Vi khuẩn trong ruột càng nhiều, sức đề kháng càng cao
- Khi môi trường sống trở nên quá sạch sẽ – 0157
- Trái cây và ngũ cốc kích thích sự phát triển các loại vi khuẩn trong ruột
- CHO TRẺ “ĂN NO 8 PHẦN” CÓ TỐT KHÔNG?
Những Thực Phẩm Giúp Tăng Cường Hệ Miễn Dịch Tốt
NHỮNG THỰC PHẨM NÀO GIÚP TĂNG CƯỜNG HỆ MIỄN DỊCH?
HÃY ĐỂ BÉ TRÁNH XA ĐỒ ĂN NHANH VÀ QUÀ VẶT, CÁC BẠN NHÉ!
ĂN RAU CỦ CHỨA NHIỀU VITAMIN VÀ DƯỠNG CHẤT CÓ THỂ GIÚP NÂNG CAO SỨC ĐỀ KHÁNG
RAU CỦ GIÚP TĂNG SỨC ĐỀ KHÁNG.
Món ăn dinh dưỡng cho bé
Dinh dưỡng là yếu tố không thể thiếu trong quá trình nuôi dưỡng trẻ. Thực phẩm không chỉ cung cấp dưỡng chất mà còn có tác dụng phòng và trị bệnh.
Đồ ăn hằng ngày giúp trẻ phát triển cả về chiều cao lẫn cân nặng, vì vậy các bậc phụ huynh cần lưu ý về vấn đề này. Bên cạnh đó, thực phẩm còn có tác dụng rõ rệt trong việc nâng cao sức đề kháng cho trẻ, nhất là các loại rau củ quả giàu vitamin và các dưỡng chất khác. Vì có liên quan trực tiếp đến các tế bào nên thực phẩm tốt đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hệ miễn dịch cho trẻ.
Hãy chú ý đến sức mạnh của rau củ
Khi có vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch và cụ thể là bạch cầu sẽ bảo vệ cơ thể khỏi các yếu tố ngoại lai có hại.
Những vitamin có trong các loại rau củ quả như bắp cải, cà tím hay một số loại trái cây như dứa, dưa hấu… có tác dụng kích thích quá trình sản sinh và tái tạo bạch cầu.
Chính vì vậy mà rau củ còn có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư, nâng cao sức đề kháng để chống lại những tế bào có hại này. Nhờ có chứa chất carotenoid mà cà rốt và những loại rau củ mang nhiều sắc tố còn có khả năng ngăn chặn ung thư. Bên cạnh đó, rau củ còn chứa nhiều vitamin, calcium, giúp phòng ngừa bệnh cảm cúm.
Giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt, đào thải những chất có hại
Rau quả còn chứa nhiều loại khoáng chất cần thiết. Khoáng chất không chỉ là một phần cấu thành nên các bộ phận trong cơ thể mà còn có tác dụng đối với quá trình tiêu hóa thức ăn, đào thải độc tố khỏi cơ thể, tạo năng lượng cho sự phát triển. Tóm lại, khoáng chất đóng vai trò thiết yếu trong các hoạt động sinh lý của cơ thể.
Bên cạnh đó, rau củ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, đào thải những chất thải còn sót lại trong ruột ra ngoài.
Tính năng lọc chất độc và hỗ trợ hệ tiêu hóa như trên của khoáng chất giúp cơ thể hấp thu dinh dưỡng từ thực phẩm một cách hiệu quả.
ĐỪNG PHỤ THUỘC VÀO THỰC PHẨM CHỨC NĂNG VÀ VITAMIN BỔ SUNG
NHỮNG DƯỠNG CHẤT QUAN TRỌNG ĐƯỢC CUNG CẤP TRONG BỮA ĂN HẰNG NGÀY
SẼ TỐT VÀ ĐẦY ĐỦ HƠN CÁC LOẠI THỰC PHẨM CHỨC NĂNG VÀ VITAMIN BỔ SUNG.
Không nên cung cấp chất dinh dưỡng quá mức cần thiết cho trẻ!
Rất nhiều người vẫn thường sử dụng các loại thực phẩm chức năng và vitamin bổ sung để cung cấp dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Họ cho rằng nếu cung cấp càng nhiều dưỡng chất cần thiết thì hệ miễn dịch sẽ càng được nâng cao, liệu điều đó có đúng không?
Đáng tiếc thay, câu trả lời lại là “không”.
Việc sử dụng quá nhiều các dưỡng chất nhân tạo sẽ gây hại cho cơ thể. Ví dụ như có các nhóm vitamin hòa tan trong nước và vitamin hòa tan trong mỡ1. Vitamin hòa tan trong nước nếu được đưa vào cơ thể quá nhiều thì sẽ được thải ra qua nước tiểu và mồ hôi. Thế nhưng với các vitamin hòa tan trong chất béo, nếu cung cấp quá nhiều có khả năng sẽ gây ra tình trạng “quá tải” trong cơ thể.
1 Nhóm vitamin hòa tan trong nước bao gồm các vitamin nhóm B và C, chúng được thải ra khỏi cơ thể qua mồ hôi và nước tiểu. Nhóm vitamin hòa tan trong mỡ bao gồm các vitamin nhóm A, E, D, K; được lưu giữ trong mỡ và gan.
Trong bữa ăn hằng ngày, chúng ta sẽ cảm thấy no trước khi cơ thể hấp thụ quá nhiều vitamin. Vì vậy, bạn không cần phải quá lo lắng về điều này. Việc lấy những dưỡng chất cần thiết từ thực phẩm là phương pháp hiệu quả hơn nhiều so với bổ sung từ nguồn nhân tạo.
Đến 5 tuổi, trẻ bắt đầu có nhận thức rõ ràng về thế giới quanh mình
Thức ăn không chỉ đơn thuần là để cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt trong những năm tháng đầu đời, quá trình ăn uống giúp trẻ nhận biết mùi vị, giúp các giác quan của trẻ phát triển tốt hơn.
Như chúng ta đã biết, vị giác của con người có thể cảm nhận được 5 loại vị cơ bản: Chua, cay, mặn, ngọt, đắng. Qua việc cảm nhận độ cay, độ mềm, mùi vị của món ăn cùng với không khí của bữa ăn, trẻ dần định hình được thế nào là món ngon và thế nào là % dở.
Khi trẻ lên 5, những nhận thức này cực kỳ quan trọng. Trẻ sẽ hoàn thiện vị giác của mình, có thể ăn uống vui vẻ cùng gia đình và quen dần với những món ăn có vị mặn hay cay.
Đương nhiên là sau 5 tuổi vẫn chưa quá muộn để trẻ tập làm quen với những điều này, nhưng quan trọng là qua đó chúng ta sẽ sớm tập được cho con thói quen ăn uống lành mạnh.
Thực phẩm theo mùa cũng giúp nâng cao sức đề kháng
Các thực phẩm theo mùa không chỉ ngon hơn mà còn mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng hơn. Ví dụ như các loại trái cây vụ xuân có chứa các khoáng chất không bị mất đi qua mồ hôi như Kali hoặc các dưỡng chất giúp cơ thể giảm thiểu tác hại của tia cực tím. Ngược lại rau quả mùa đông giúp làm ấm cơ thể bị nhiễm lạnh2.
2 Độc giả lưu ý, đây là các thực phẩm theo vụ sản xuất trong điều kiện khí hậu Nhật Bản.
Những loại rau quả theo mùa còn nạp thêm nhiều năng lượng cho cơ thể. Hẳn nhiên để đạt được hiệu quả tốt nhất, các bạn cần phải sử dụng các loại thực phẩm tươi ngon, chứa nhiều dưỡng chất, có như vậy mới góp phần nâng cao sức đề kháng của cơ thể trẻ và chúng ta.
RONG BIỂN GIÚP TĂNG SỐ LƯỢNG VI KHUẨN CÓ LỢI TRONG THÀNH RUỘT
CÁC LOẠI RONG BIỂN CUNG CẤP NHIỀU DƯỠNG CHẤT GIÚP PHÒNG NGỪA MỘT SỐ LOẠI BỆNH.
Rong biển giúp nâng cao sức đề kháng
Trong các loại rau thì “rau của biển” là loại chứa nhiều khoáng chất và vitamin nhất.
Vì là một quốc đảo nên Nhật Bản có rất nhiều các loại rong biển, ví dụ như tro tảo bẹ, tảo biển, rong biển Hijiki… Ngay từ thời xa xưa, người Nhật đã đưa những loại thực phẩm này vào bữa ăn hằng ngày.
Các loại rong biển có cấu tạo giống với rau, nghĩa là trong thành phần của chúng chứa nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho cơ thể. Những chất này giúp tăng cường chức năng của bạch cầu, phòng ngừa bệnh ung thư và các căn bệnh do thói quen sinh hoạt gây ra.
Hãy thường xuyên đưa rong biển vào khẩu phần ăn hằng ngày
Ngày càng có nhiều trẻ em bị mắc các bệnh do thói quen sinh hoạt hằng ngày gây ra như béo phì, các bệnh về tim, bệnh về hệ bài tiết. Một trong những cách ngăn ngừa hiệu quả các bệnh này là nhờ vào khẩu phần ăn hằng ngày.
Chúng ta nên đưa rong biển vào khẩu phần ăn hằng ngày. Theo kết quả nghiên cứu về việc nên đưa loại thức ăn nào vào khẩu phần ăn uống thì trong 10 loại thức ăn nằm ở tốp đầu, có đến 6 là các loại rong biển.
Bên cạnh đó, điểm đáng chú ý ở những khẩu phần ăn uống nói trên là đều chứa rất nhiều nước.
Chúng có thể giúp tăng số lượng vi khuẩn có có lợi cho ruột, hỗ trợ hoạt động của đại tràng, cung cấp thêm vitamin B cho cơ thể.
Ngoài ra, các dưỡng chất trong những loại thức ăn trên còn rất hiệu quả trong việc kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư, giảm hàm lượng cholesterol trong máu.
Mỗi ngày hãy nhớ ăn các loại rong biển!
Trong thành phần của rong biển có chứa nhiều axit béo bão hòa có khả năng ngăn ngừa và trị chứng phình động mạch. Bên cạnh đó, một thành phần rất đáng chú ý khác của rong biển là DHA. Thành phần này được cho là rất tốt cho sự phát triển trí não của trẻ trong giai đoạn sơ sinh. Vì thế, mọi người nhớ bổ sung các loại rong biển vào khẩu phần ăn hằng ngày nhé!
CHẤT PHỤ GIA CŨNG LÀ NGUYÊN NHÂN GÂY RA BỆNH DỊ ỨNG.
ĐỐI VỚI CÁC CHẤT NÀY, BẠN HÃY NHỚ PHƯƠNG CHÂM “ĐỪNG MUA, ĐỪNG ĂN”!TRÊN THỰC TẾ, CÓ RẤT NHIỀU LOẠI THỰC PHẨM CHỨA CÁC CHẤT PHỤ GIA.
VÌ VẬY BẠN HÃY NHỚ KIỂM TRA THÀNH PHẦN TRƯỚC KHI MUA NHÉ!
Chất phụ gia có thể gây ra bệnh dị ứng
Chất phụ gia là những chất được sử dụng trong quá trình chế biến thực phẩm để bảo quản lâu hơn, chống oxy hóa và tạo màu sắc cho thực phẩm. Có rất nhiều loại chất phụ gia như chất tạo màu, tạo mùi, tạo vị, chất tẩy trắng cho rau củ quả.
Sau Thế chiến Thứ hai, ngành hóa phẩm bắt đầu sử dụng đại trà các chất phụ gia, bởi trong thời gian này chưa có một cá nhân hay tổ chức nào lên tiếng cảnh báo nguy cơ của việc sử dụng chất phụ gia.
Thế nhưng vào những năm 60, do nghi ngờ việc đường hóa học và hóa chất diệt khuẩn AF-2 có khả năng gây ra bệnh ung thư nên chính phủ nhiều nước đã ban lệnh cấm sử dụng những chất này. Sau khi sự việc này xảy ra, những lo lắng về mối nguy của chất phụ gia mới ngày một lan rộng. Bên cạnh đó các nghiên cứu gần đây còn đã chỉ ra rằng chất phụ gia còn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh Atopy hay bệnh dị ứng phấn hoa.
Kết quả còn cho thấy các chất tẩy màu hay bảo quản còn khiến cơ thể dễ dàng mắc bệnh dị ứng, đặc biệt là các loại thực phẩm ăn liền.
Những yếu tố không thể thiếu trong xã hội hiện đại
Thế nhưng, câu hỏi được đặt ra là tại sao một lượng lớn chất bảo quản, chất chống oxy hóa vẫn được bày bán trên thị trường, tạo thành xu hướng chung trong xã hội hiện đại? Lý do chính là vì ở bất kỳ lúc nào và bất kỳ nơi đâu, việc sử dụng chất phụ gia cũng khiến cho việc chế biến thức ăn trở nên tiện lợi và đơn giản hơn rất nhiều.
Chắc hẳn rất nhiều người biết rằng chất phụ gia không tốt cho sức khỏe, tuy nhiên để mọi người hiểu hơn về những nguy hại của chất phụ gia, trong phần này tôi sẽ phân tích cụ thể hơn.
Mức độ nguy hiểm của chất phụ gia
Trong những thực phẩm chúng ta dùng hằng ngày, bao nhiêu loại có chất phụ gia? Theo thống kê, trung bình một người bình thường mỗi ngày ăn khoảng 10 loại chất phụ gia. Vì vậy, rất mong mọi người hãy bỏ chút thời gian để tìm hiểu xem trong những thực phẩm dùng hằng ngày có chứa bao nhiêu loại chất phụ gia, đồng thời hãy cố gắng tránh mua và sử dụng chúng.
Thức ăn liền, thức ăn công nghiệp làm tăng nguy cơ bị dị ứng
KHÔNG ĐƯỢC ĂN THỰC PHẨM GẦN HẾT HẠN SỬ DỤNG?
THỰC PHẨM BỊ HƯ HỎNG LÀ DO ĐÃ HẾT HẠN SỬ DỤNG HAY DO PHƯƠNG PHÁP BẢO QUẢN SAI?
KHÔNG CÓ CỘT MỐC CHÍNH XÁC CHO THỜI HẠN THỰC PHẨM.
HÃY NHẬN BIẾT BẰNG CẢ 5 GIÁC QUAN.BẠN HÃY TRANG BỊ ĐẦY ĐỦ KIẾN THỨC VỀ THỰC PHẨM ĐỂ TRÁNH TÌNH TRẠNG NGỘ ĐỘC THỨC ĂN.
Các căn cứ để đặt ra thời hạn thực phẩm
Đa số mọi người đều nghĩ rằng: “Thức ăn quá hạn thì không ăn được nữa.” Quả vậy, hạn sử dụng thực phẩm được quyết định dựa trên luật Vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó chỉ ra rằng: “Trong trường hợp thực phẩm đóng hộp chưa khui và đã bảo quản đúng phương pháp, nhà sản xuất phải đảm bảo độ tươi ngon của thực phẩm trong thời hạn in trên bao bì”3.
3 Độc giả có thể tham khảo thêm quy định của luật Vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam như sau: “Thời hạn sử dụng thực phẩm là thời hạn mà thực phẩm vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng và bảo đảm an toàn trong điều kiện bảo quản được ghi trên nhãn theo hướng dẫn của nhà sản xuất.”
Tóm lại, các nhà sản xuất luôn in trên bao bì sản phẩm dòng chữ “Có thể sử dụng nếu thực phẩm tươi ngon”. Vây có nghĩa là nếu thực phẩm đã quá hạn một ngày thì cũng không thể ăn được.
Thế nhưng, bạn đừng quá tin tưởng rằng nếu sản phẩm vẫn còn trong thời hạn sử dụng và được bảo quản trong tủ lạnh thì mọi thứ sẽ không sao. Thi thoảng vẫn có trường hợp dù được bảo quản cẩn thận và vẫn trong thời hạn sử dụng nhưng thực phẩm vẫn bị hư. Bởi vậy, chúng ta cần hết sức thận trọng.
Tập thói quen cảm nhận bằng nhiều giác quan
Chúng ta hãy thử tập thói quen cảm nhận bằng nhiều giác quan xem thực phẩm liệu có ăn được hay không, ví dụ như quan sát màu sắc bằng mắt, ngửi mùi bằng mũi, và nhận biết độ cứng-mềm của thực phẩm bằng tay…
Mọi người thường nghĩ đồ ăn sống thì không tốt lắm, phải nấu qua thì mới có thể ăn được. Tuy nhiên, bạn có thể khắc phục nỗi lo này bằng cách nấu đồ tái vừa hoặc ăn đồ sống với gia vị cay. Hoặc bạn có thể học những công thức sử dụng đồ ăn đã để qua ngày, ví dụ như với bánh mì đã bị cứng, bạn có thể nướng bơ tỏi thay vì ăn kèm với súp.
Nhiệt độ cao làm suy yếu vi khuẩn hình que
Có lẽ bạn đã từng được nhắc nhở rằng, trong trứng có thể chứa các vi khuẩn hình que, có khả năng gây ngộ độc thức ăn.
Khuẩn hình que gây ngộ độc thức ăn với các triệu chứng như như đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, sốt… Tuy nhiên nhiệt độ cao sẽ làm suy yếu khả năng gây bệnh của chúng, vậy nên chúng ta có thể đề phòng việc ngộ độc thức ăn bằng cách nấu nướng cẩn thận.
Bên cạnh đó, khi nhiệt độ dưới 10 độ, khuẩn hình que không có khả năng phát triển. Vì vậy sau khi mua về, bạn phải lập tức cho trứng vào tủ lạnh và sử dụng hết trong vòng hai tuần.
Hãy sử dụng thực phẩm trong khoảng thời gian chúng còn tươi ngon nhé!
Nguyên nhân, dấu hiệu của ngộ độc thức ăn
KHÔNG CHỈ GIÚP CHO CON ĂN NGON, CÁC BẬC PHỤ HUYNH CẦN PHẢI GIÚP CHO CON ĂN ĐỂ TỐT CHO SỨC KHỎE NỮA.
RƯỢU VÀ TRÀ CÓ KHẢ NĂNG DIỆT KHUẨN.
HÃY TÍCH CỰC SỬ DỤNG TRONG SINH HOẠT THƯỜNG NGÀY!
NHIỀU NGUYÊN LIỆU TRUYỀN THỐNG CỦA NHẬT CÓ KHẢ NĂNG DIỆT KHUẨN.
Sử dụng những phương thức tự nhiên để nâng cao hệ miễn dịch.
Rượu, miso4, trà… đều là những thực phẩm có khả năng diệt khuẩn cao. Những thực phẩm này hỗ trợ rất tốt cho cơ thể khi xuất hiện vi khuẩn gây ngộ độc. Chúng không chỉ làm suy yếu mà còn có khả năng đẩy lùi những vi khuẩn có hại trong thành ruột. Có lẽ vì biết được những công dụng này nên người Nhật thường dùng các nguyên liệu đó khi sử dụng thức ăn làm từ cá sống, hoặc cho quả mơ muối vào hộp cơm thường ngày.
4 Miso, hay còn gọi là tương miso, là một loại gia vị quen thuộc của người Nhật, được làm chủ yếu từ đậu nành cùng gạo, lúa mạch, cho lên men rồi trộn với muối và nấm kōjikin.
Mặc dù cùng sử dụng một loại thực phẩm, nhưng có người ngộ độc, có người lại không. Điều này tùy thuộc vào cơ địa mỗi người. Tuy nhiên, những người thường ngày vẫn dùng các thực phẩm như trà, miso thì khả năng bị ngộ độc thấp hơn những người không dùng.
Những nguyên liệu nào có thể giúp nâng cao hệ miễn dịch?
Vậy thì những loại nguyên liệu nào có tính diệt khuẩn cao? Sau đây, tôi xin được phép giới thiệu qua một số nguyên liệu có đặc tính như vậy:
Giấm
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng: nếu cho 157 vi khuẩn gây ngộ độc vào giấm và để ở nhiệt độ thường thì khoảng 24 giờ sau, 100 vi khuẩn sẽ chết đi.
Trà đen
Trong trà có chứa polyphenol, một thành phần có tác dụng diệt khuẩn cao. Nếu cho 157 vi khuẩn gây ngộ độc vào trà (với dung lượng một người uống thường ngày) thì chỉ sau 5 giờ, gần như toàn bộ vi khuẩn sẽ chết. Thêm vào đó, uống trà còn giúp tiêu diệt vi khuẩn vibrio parahaemolyticus gây bệnh tả.
Mơ muối
Mơ muối có khả năng tiêu diệt trực khuẩn coli và tụ cầu vàng. Các thí nghiệm khoa học cho thấy nắm cơm có đặt một quả mơ muối, khi để ở môi trường nóng thì quá trình ôi thiu sẽ chậm hơn bình thường. Điều đó cho thấy khả năng diệt khuẩn của mơ muối.
Tuy nhiên, mơ đã được lên men thì không có hiệu quả như mong đợi.
Đậu tương lên men
Thí nghiệm khoa học cũng chứng minh rằng: nếu cho 157 vi khuẩn có hại vào đậu tương lên men thì sau bốn ngày, toàn bộ vi khuẩn sẽ chết. Bên cạnh đó, các vi khuẩn lên men trong thành phần đậu tương sẽ tạo ra phức hợp axit dipicolinic rất hữu ích cho hệ tiêu hóa.
Rượu
Tương tự như vậy, nếu cho 157 loại vi khuẩn có hại, vi khuẩn tiêu chảy và vi khuẩn gây nhiễm khuẩn đường ruột vào rượu thì chỉ sau khoảng 20 phút, toàn bộ vi khuẩn sẽ chết. Vì thế, chúng ta có thể sử dụng rượu như một loại gia vị để nấu các món ăn ninh, hầm.
TUY CON NGƯỜI CÓ NHIỀU VI KHUẨN TRONG RUỘT NHƯNG NGUY CƠ BỊ NGỘ ĐỘC THỨC ĂN VẪN RẤT THẤP
CHÚNG TA KHÔNG NÊN CÓ CÁI NHÌN QUÁ ĐỐI LẬP GIỮA VI KHUẨN CÓ LỢI VÀ VI KHUẨN CÓ HẠI,
ĐIỀU QUAN TRỌNG LÀ PHẢI DUY TRÌ SỰ CÂN BẰNG CỦA CẢ HAI LOẠI TRONG RUỘT.
Vi khuẩn trong ruột càng nhiều, sức đề kháng càng cao
Có trên dưới 100 loại vi khuẩn đang sinh sống trong một phần của hệ tiêu hóa là ruột, thật là một con số đáng kinh ngạc! Chúng ta thường biết đến những vi khuẩn có lợi như vi khuẩn sinh axit lactic, vi khuẩn có hại như vi khuẩn đại tràng… Thế nhưng trên thực tế, chúng ta không nên phân chia quá rạch ròi như vậy. Dù tên gọi như vậy nhưng vi khuẩn có hại hay có lợi đều là những yếu tố không thể thiếu đối với đường ruột của chúng ta.
Chính nhờ vi khuẩn có hại mà những vi khuẩn có lợi mới có thể hoạt động bình thường. Giả sử, nếu chúng ta loại bỏ toàn bộ vi khuẩn đại tràng ra khỏi cơ thể thì chắc chắn sẽ gây ra chứng táo bón hoặc tiêu chảy.
Thêm vào đó, dù gọi chung là “vi khuẩn đại tràng” nhưng chúng cũng có rất nhiều chủng loại, có loại có thể nâng cao sức đề kháng, giúp phòng ngừa bệnh ung thư hay dị ứng. Ngược lại tuy chỉ là thiểu số, nhưng cũng có loại sẽ làm suy yếu sức đề kháng, đặc biệt nếu xâm nhập trực tiếp qua đường miệng, chúng có thể vô hiệu hóa các lớp bảo vệ trong cơ thể.
Khi môi trường sống trở nên quá sạch sẽ – 0157
Quá trình tiêu diệt vi khuẩn đại tràng hay các loại vi khuẩn có hại khác được ký hiệu là 0157. Quá trình 0157 không chỉ xuất hiện ở Nhật Bản mà còn ở các quốc gia tiên tiến khác. Vì muốn tạo ra một môi trường sống quá sạch sẽ nên nhiều người thường lạm dụng chất kháng sinh cũng như chất diệt trùng. Thế nhưng chính việc này lại gây ra tình trạng xáo trộn môi trường sống của các loại vi khuẩn trong hệ tiêu hóa.
Kết quả nghiên cứu cho thấy gần 200 loại vi khuẩn đại tràng đang dần mất đi theo thời gian, hiện nay người ta chỉ còn tìm thấy một số loại còn sót lại trong hệ tiêu hóa con người. Số 0157 được ký hiệu ở đây chính là số vi khuẩn còn sót lại.
Trên thực tế, 157 vi khuẩn còn sót lại đó là những loại vi khuẩn rất yếu. Trái với những người có nhiều vi khuẩn trú ngụ trong đường ruột, những người chỉ có 157 loại vi khuẩn này lại dễ mắc chứng ngộ độc thức ăn hơn.
Năm 1996, theo một cuộc khảo sát về 0157 ở tỉnh Okayama, Nhật Bản, có khoảng 10% trẻ em mắc bệnh nặng do được nuôi dưỡng trong môi trường sạch sẽ quá mức cần thiết. Ngược lại, 30% trẻ không mắc bệnh là những bé được nuôi dưỡng trong điều kiện sạch sẽ bình thường, được bố mẹ thường xuyên cho chơi đùa với đất cát.
Môi trường sống quá sạch sẽ dẫn đến tình trạng số lượng vi khuẩn trong ruột giảm. Lúc này, tình trạng của ruột có thể gọi nôm na là “vườn không nhà trống”. Do chỉ còn sót lại 157 loại vi khuẩn nên hiện nay trẻ mới dễ phát sinh tình trạng đau bụng hay tiêu chảy.
Trái cây và ngũ cốc kích thích sự phát triển các loại vi khuẩn trong ruột
Để những vi khuẩn trong ruột có thể phát triển, chúng ta nên ăn nhiều chất xơ như rau củ quả, ngũ cốc… Thêm vào đó, để trẻ vui chơi bên ngoài cũng giúp gia tăng khả năng tiếp xúc với các loại vi khuẩn có lợi.
Trong cuộc sống thường ngày, cơ thể chúng ta và vi khuẩn có mối quan hệ khăng khít với nhau. Chúng không chỉ giúp con người nâng cao sức đề kháng mà còn có thể hạn chế một số chứng dị ứng. Hơn thể nữa, vi khuẩn có lợi còn giúp ta giảm nguy cơ bị ngộ độc thức ăn.