Kỹ Năng Nuôi Dạy ConSức Khỏe

Có Nên Khen Ngợi Để Giúp Trẻ Phát Triển Toàn Diện Hơn

Có Nên Khen Ngợi Để Giúp Trẻ Phát Triển Toàn Diện Hơn

MỖI ĐỨA TRẺ RA ĐỜI CẦN ĐƯỢC KHEN NGỢI

Chúng ta hãy xem xét quan điểm: Mỗi trẻ được sinh ra cần được khen ngợi, nhưng cha mẹ thường khen ngợi theo kiểu giáo dục vật chất, ít theo kiểu giáo dục tinh thần. Nhà giáo dục Uyliam Jame đã từng nói “Khát vọng sâu xa của mỗi con người là được khen ngợi, được tôn trọng và được quan tâm.” Người lớn cũng vậy mà trẻ con cũng không ngoại lệ. Có vị phụ huynh đã hỏi tôi: “Tôi phải bỏ ra rất nhiều tiền để lo cho con ăn học nhưng cháu vẫn học kém, không chấp nhận tình cảm của tôi dành cho cháu, không chịu nghe lời tôi.” Tôi đã trả lời vị phụ huynh này là: “Tôi chỉ nghe thấy chị nhắc đến vật chất, nào là cho con ăn, cho con mặc, tiêu rất nhiều tiền vì con, nhưng tôi chưa nghe thấy chị đáp ứng được gì về tinh thần cho cháu.” Cha mẹ hay chú ý khen ngợi con cái theo kiểu giáo dục vật chất, ít chú ý đến giáo dục tinh thần. Cha mẹ nào cũng yêu thương con mình, nhưng đa số họ lại không biết cách yêu con, họ không biết rằng con rất muốn được khen ngợi, được thừa nhận.

Ảnh Minh Họa

Hai ví dụ đơn giản sau sẽ chứng minh rõ quan điểm trên. Nếu các bạn quan sát kỹ người bị bệnh tâm thần đứng ở bên đường, sẽ thấy người bệnh này thường nói thao thao bất tuyệt như những nhà diễn thuyết đại tài. Nhưng khi họ về nhà thì lại trở thành người hoàn toàn khác, sống nội tâm, tự ti và luôn trốn vào một góc tối trong nhà. Vì ở nhà họ không được mọi người khen ngợi, chú ý. Người bình thường chúng ta cũng vậy, muốn được mọi người khen ngợi, chú ý là bản tính của con người.

Một nhà giáo dục người Mỹ đã làm một thí nghiệm như sau: ông nuôi hai con chó nhỏ rất giống nhau do cùng một mẹ sinh ra. Ông cho chúng ăn những thức ăn giống nhau nhưng đối xử với chúng thì khác nhau. Một con chó sau khi ăn xong thì được ông vuốt ve, quan tâm và khen ngợi. Tuy con chó không hiểu tiếng người, nhưng nó biết nó được khen nên hàng ngày luôn sống trong hạnh phúc và ngọt ngào. Còn với con chó kia, sau mỗi lần cho ăn xong ông lại đánh đập, chửi mắng nó. Lâu dần chú chó này biến thành một con chó hay sợ hãi, rất nhút nhát. Một hôm ông đưa hai con chó cùng đi săn. Lúc đi săn họ gặp một con sói, con chó hay bị đánh chửi nhìn thấy con sói là quay đầu chạy mất, con chó hay được yêu thương thì xông lên đánh nhau với con sói. Qua đây cho thấy, chó và người đều là những động vật có tình cảm. Động vật đã như vậy thì con người chúng ta cũng không phải ngoại lệ, những đứa trẻ đã hình thành được nhân cách độc lập cũng như vậy.

Tôi đang đề cập đến giáo dục khen ngợi, nhưng không có nghĩa là bài xích giáo dục yêu cầu đối với con trẻ. Yêu cầu nghiêm khắc đối với con trẻ về nhân cách, hành động là hoàn toàn đúng. Nhưng nên sử dụng đúng biện pháp, nghiêm khắc chứ không nên hà khắc.

Ảnh Minh Họa

Một số vị phụ huynh thoạt đầu còn bình tĩnh nói với con cái khi con trẻ phạm sai lầm. Nhưng càng nói thì càng tức, khuôn mặt bắt đầu bừng đỏ, méo mó. Do không kiềm chế được tức giận nên cảm giác như tóc ở trên đầu cũng dựng đứng lên. Điệu bộ giận dữ này làm cho bản thân mình sợ hãi chứ đừng nói gì đến con trẻ. Khi ấy bạn hỏi trẻ 1 cộng 1 bằng mấy thì trẻ cũng không trả lời nổi. Có nghĩa là lúc ấy bạn có cho trẻ ăn kẹo thì trẻ cũng không cảm thấy ngọt. Không tin, những lúc ấy bạn thử soi gương xem, chắc chắn bạn cũng phải sợ hãi.

Vì vậy, các vị phụ huynh hãy bớt giận, cố kiềm chế trong vài phút để điều chỉnh tình cảm của mình. Hãy hít thở thật sâu, đi ra ngoài, thư giãn tinh thần. Khi đã bình tĩnh lại thì hãy hiểu cho con trẻ. Con trẻ không phải không hiểu đạo lý, chúng cũng hiểu. Bạn hãy nghiêm túc với chúng chứ không nên tức giận, đó chính là ý nghĩa của sự uy nghiêm. Bạn chỉ nên khai thông luồng nước chảy chứ không nên chặn đứng. Vì vậy giáo dục phải đúng, có hiệu quả, chứ không nên luôn ra lệnh con trẻ làm cái này làm cái nọ.

Các bạn có thể nghĩ rằng: chúng ta muốn để con trẻ học cùng, chứ không nên để con trẻ học như một con vẹt. Số lượng lớp học quá nhiều, tinh thần và sức lực của thầy cô thì có hạn, chỉ có thể “khen ngợi”, quan tâm đến những “học sinh ưu tú”, còn lại đa số những học sinh khác không được thầy cô quan tâm, mọi ưu điểm của chúng dần dần bị quên lãng, lâu dần chúng cũng quên luôn cả bản thân mình. Khi ấy, đòi hỏi cha mẹ và thầy cô phải phối hợp để bù đắp khiếm khuyết này. Thu xếp số lượng học sinh trong lớp vừa đủ sẽ giải quyết được vấn đề ấy.

Ảnh Minh Họa

Phê bình và khen ngợi đều thể hiện sự quan tâm, chú ý tới con trẻ. Cho dù khen ngợi hay phê bình thì con trẻ cũng cảm thấy tốt hơn so với im lặng, thờ ơ.

Tại Nhật Bản đã từng có một thí nghiệm được thực hiện: Chia học sinh trong lớp thành 3 nhóm. Thành tích học tập của 3 nhóm này đều như nhau, học sinh giỏi và học sinh yếu có số lượng tương đương nhau. Ba nhóm được phát bài kiểm tra lần một, và điểm bài kiểm tra lần một của học sinh 3 nhóm đạt sàn sàn như nhau. Đến lần thứ hai cả 3 nhóm đều được phát bài như nhau. Tuy nhiên, trước khi làm bài cô giáo đã khen ngợi kết quả bài thi lần một của nhóm 1, phê bình kết quả bài thi của nhóm 2 và không nói một câu gì đến nhóm 3. Sau khi học sinh 3 nhóm làm bài thi lần hai thì kết quả hoàn toàn khác lần một, nhóm 1 làm bài đạt được điểm rất cao, nhóm 2 đạt kết quả bình thường nhưng thành tích của nhóm 3 thì sa sút rõ rệt.

Qua đó có thể thấy, con trẻ rất muốn được mọi người quan tâm, chú ý và khen ngợi.

KHEN NGỢI LÀ MỘT TRẠNG THÁI TÂM LÝ

Khen ngợi là một trạng thái tâm lý, đó là trạng thái tâm lý cho phép được thất bại. Trạng thái tâm lý này khác với mọi trạng thái tâm lý khác vì có thái độ bao dung.

Cha mẹ hay mắc phải sai lầm trong việc dạy dỗ con cái, như muốn con mình làm nhanh hơn thì thường cố ý nói con làm quá chậm, muốn con học tốt hơn, thông minh hơn thì thường cố ý nói con mình ngu đần, muốn con ngoan ngoãn hơn thì thường nói con mình hư hỏng, không bằng bạn bằng bè. Cách giáo dục này hoàn toàn trái ngược với biện pháp giáo dục khen ngợi, đó là giáo dục trách mắng. Biện pháp giáo dục này không phù hợp với con trẻ.

Ảnh Minh Họa

Nhiều vị phụ huynh đã hỏi, làm thế nào để khen con mình? Các bạn cũng biết khen ngợi chỉ là một trạng thái tâm lý, bản thân các vị phụ huynh cũng từng trải qua giai đoạn mang trạng thái tâm lý này.

Con trẻ loại bỏ được những trở ngại tự nhiên thì đều biết nói, biết đi. Trẻ con làm được như vậy vì trong giai đoạn này thưòng xuyên được cha mẹ khen ngợi, cổ vũ.

Tôi có cô cháu gái mới đang tập nói. Mẹ cháu nghe thấy con gọi mẹ vui đến nỗi cả đêm không ngủ được, nửa đêm còn gọi điện thoại thông báo cho họ hàng. Tuy con trẻ không biết diễn đạt, chưa hiểu người lớn nói gì nhưng trong lòng chúng hiểu rõ người lớn đang khuyến khích và khen ngợi mình, thâm tâm con trẻ sẽ tự thôi thúc mình biết học nói, đó là sự vươn lên từ trong nội tâm.

Khi cháu gái tôi biết đi thường rất hay ngã nhưng cả nhà đều vui và vỗ tay. Có thể nói rằng khi con trẻ gọi mẹ tuy không chuẩn, đi vẫn vấp ngã mà chúng vẫn làm vì chúng được người lớn đối xử bao dung, cho phép chúng thất bại.

Giáo dục khen ngợi chính là bao dung, cho phép con trẻ được thất bại.

Ông Bute, người từng làm cố vấn cho nhiều đời Tổng thống nước Mỹ có một tuổi thơ rất gian khổ. Ngay từ nhỏ ông đã mất mẹ, nhà đông anh chị em nên toàn bộ gánh nặng gia đình đổ dồn lên đôi vai người cha. Cha ông không có đủ thời gian, sức lực và tinh thần dạy dỗ ông nên ông trở thành một đứa trẻ bướng bỉnh, nghịch ngợm và hư hỏng.

Sau này cha ông quyết định tìm một người mẹ cho các con mình. Khi cha ông giới thiệu con cái với người vợ mới cưới thì có nói về ông như sau “Đây là đứa trẻ dốt nhất, hư nhất nhà anh!” Ông đã quen với những câu nói này nên không lấy gì làm ngạc nhiên, nhưng bà mẹ mới lại nói “Mẹ không thấy con hư hỏng hay dốt nát mà cảm thấy con rất thông minh, ngoan ngoãn!” Ông đã rất ngạc nhiên vì từ trước đến giờ chưa ai nhận xét ông như vậy. Sự thực cho thấy, bà mẹ vĩ đại này đã cổ vũ ông dũng cảm vươn tới thành công.

Ảnh Minh Họa

Con trẻ luôn khao khát được khen ngợi, chúng sẽ trân trọng người khen ngợi và thừa nhận mình. Sự quan tâm của người lớn chính là động lực để con trẻ tồn tại. Tuy nhiên, đôi khi cha mẹ không những chẳng khen ngợi mà còn có những hành động gây áp lực. Cha mẹ chưa làm được việc gì thì thường gửi gắm việc đó vào con mình. Ví dụ: cha mẹ không thi được vào khoa Anh trường đại học nào thì mười mấy năm sau cha lại đòi hỏi con phải thi vào được khoa Anh trường đó, như vậy thật không công bằng. Cha mẹ không làm được nhưng lại mặc sức hò hét, yêu cầu con trẻ phải làm bằng được. Điểm xuất phát không đúng, biện pháp cũng không thoả đáng. Một số cha mẹ muốn khuyến khích con trẻ nên thường nói với con “Nếu lần này con được điểm cao thì cha (mẹ) sẽ cho con 5 nghìn”. Nhưng cha mẹ đâu biết rằng, con trẻ thích đạt điểm cao không phải vì tiền bạc, đồ chơi, … mà bởi muốn thoả mãn nhu cầu tâm lý muốn được cha mẹ quan tâm, khen ngợi. Tuy nhiên cha cha mẹ thì luôn nghĩ mình thích tiền thì con cái chắc chắn sẽ thích tiền, cuối cùng họ đã tạo ra những vị tiểu hoàng đế, hoàng hậu thích tiền, hư hỏng.

Đến đây chắc mọi người đều nhận thức được tính quan trọng của sự khen ngợi với con trẻ. Muốn khen con cái tốt, trước hết chúng ta cần phải hiểu rõ về con cái của chúng ta. Xin hỏi các bậc phụ huynh, các anh các chị cho rằng con cái chúng ta sợ gì nhất? Có người trả lời: con tôi sợ nhất bị đánh. Nếu con bạn sợ bị đánh thì hãy thử đánh con một trận thừa sống thiếu chết để xem hiệu quả thế nào. Không biết các anh, các chị có nhận thấy thực ra mình không hiểu gì con trẻ, con cái chúng ta không phải là sợ bị đánh nhất mà là sợ không được người lớn quan tâm, chú ý. Con trẻ cũng giống như người lớn, có những giác quan hoàn chỉnh, kiện toàn, nhu cầu tâm lý, … Con trẻ cũng bình đẳng như những người lớn. Có thể điều này được thể hiện không đầy đủ, hoặc không thể hiện ra được khi trẻ còn nhỏ. Nhưng trong quá trình trưởng thành, con trẻ sẽ có những biểu hiện rõ ràng về những điều này. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh quên lãng lại hay quên lãng các vấn đề đó.

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button
Close