Câu chuyện thật cảm động: Chu Đình Đình, một cô gái Trung Quốc bị câm điếc bẩm sinh đã trở thành sinh viên đại học năm 16 tuổi nhờ sự giáo dục của người cha và được cử đi nghiên cứu sinh ở Mỹ nhờ giành được học bổng của Trường đại học Cater. Bạn có biết cha cô gái chỉ với trình độ văn hoá cấp I nhưng đã thành lập nên “Nhà trẻ câm điếc giữa những người bình thường” và đưa ra hàng loạt lý luận giáo dục hoàn toàn mới mẻ?
Chu Công, cha cô bé Chu Đình Đình là người thuộc thế hệ “cái gì cũng bị nhỡ nhàng”. Ông tốt nghiệp tiểu học năm 1967, đi lính và từng làm công nhân xúc cát, nhân viên kỹ thuật máy tiện ở Nam Kinh.
Chu Công vốn có một cuộc sống hết sức bình thường cho đến ngày 27/6/1980 đã làm thay đổi cả cuộc đời ông. Cô con gái duy nhất của ông ngay từ khi ra đời đã không khỏe mạnh mà bị câm điếc bẩm sinh. Câm điếc bẩm sinh rất khó chữa trị, dù có thiết bị khoa học tiên tiến. Muốn trẻ tiếp xúc được với xã hội bình thường thì cách duy nhất là theo học trường dành cho trẻ câm điếc.
Làm cha được 48 ngày nhưng Chu Công đã cảm nhận được nỗi đau khổ của người cha có con bị câm điếc. Những đứa trẻ đến khám tại bệnh viện dù ít dù nhiều cũng có chút thính lực, chỉ có Đình Đình của ông là vừa câm vừa điếc, cô bé chỉ nghe được những âm thanh trên 100 đề xi ben (db). Cha mẹ của những đứa trẻ khác thấy bác sỹ gọi thì vội vàng bế con vào, còn ông không dám nhìn mắt Đình Đình, mà run rẩy ôm con về nhà.
Ông luôn nói rằng đời mình đã không ra gì nên chỉ mong ước con sau này sẽ thành tài, nhưng mọi thứ là tuyệt vọng.
Đình Đình luôn tự ti như bao đứa trẻ câm điếc khác. Có khách đến nhà cô bé thường trốn vào dưới gậm bàn như một con thú nhỏ đáng thương. Nhiều lúc cô bé khóc rất nhiều, người lớn cũng không biết cô bé đang nghĩ gì.
Bộ phim “Máu nghi ngờ” đã thay đổi hoàn toàn cách suy nghĩ của Chu Công. Bà mẹ trong phim có cô con gái mắc bệnh máu trắng, bà vẫn dành trọn tình yêu cho con dù cháu chỉ còn 1% cơ hội sống. Chu Công nghĩ: con gái mình chỉ là một đứa trẻ câm điếc, tuy yếu đuối nhưng sức sống rất mạnh mẽ. Ông quyết tâm giúp con mở cánh cửa đến với thế giới có âm thanh.
Đầu tiên là phải chữa bệnh điếc cho con gái, ông vừa chữa bệnh cho con vừa đọc thêm những quyển sách dạy học. Đôi tai của Đĩnh Đình đã bị hơn 50 ngàn cái kim châm cứu đâm mà vẫn chưa có chút khởi sắc. Thấy vậy, ông chuyển sang chữa bệnh câm cho con. Một lần, ông cõng Đình Đình lúc ấy 3 tuổi đi chơi, trên đưòng đi liên tục chỉ lên đèn đường và hét vào tai con “Đèn”. Ông đã hét như vậy hơn 500 lần, hết hơn 40 phút, cảm giác như sắp phát điên lên mà Đình Đĩnh vẫn không hay biết gì… Chỉ để phát âm chuẩn từ “anh” Đình Đình đã phải vất vả học trong 3 năm liền.
Trừ thời gian đi làm, còn toàn bộ thời gian còn lại ông dành để dạy con gái. Thị giác của Đình Đình rất tốt nên ông đã dạy con gái học chữ.
Ông đã phát minh ra trò chơi chữ rất thú vị, đó là viết ở mọi nơi mọi chỗ, như trên tường, đất, bàn, người, tay, … Nhìn thấy sao thì viết sao, nhìn thấy trẻ con khóc thì viết khóc, mỗi lần đi chơi đâu về người hai cha con đầy chữ là chữ. Ông không bao giờ hỏi con đã biết được bao nhiêu chữ, vì con gái ông đã phải vất vả, khổ sở để học chữ.
Chính vì bị câm điếc nên Đình Đình càng cần phải dựa vào chữ viết nhiều hơn. Cô chỉ có mỗi con đường này để bước vào thế giới của những đứa trẻ bình thường. Khi học tiểu học với những đứa trẻ bình thường, Đình Đình đã nhảy một năm hai lớp, dần dần đi trên con đường thành công, cuối cùng trở thành nghiên cứu sinh câm điếc người Trung Quốc đầu tiên ở Mỹ.
Chu Công đã thành công trong việc dạy dỗ con gái. Sau này ông mở một Trường học dành cho trẻ câm điếc. Ông luôn muốn mang những kinh nghiệm giáo dục trẻ câm điếc của mình cống hiến cho xã hội, giúp ích cho nhiều đứa trẻ câm điếc khác. Trong quá trình dạy dỗ Đình Đình, ông đã biết điều chỉnh tâm lý với thái độ một người làm cha. Cuốn sách ảnh hưởng lớn tới ông là “Giáo dục trẻ ngay từ khi mới sinh” của tác giả Linh Mộc Trấn: “Để con trẻ được hạnh phúc, bạn cần phải cảm nhận rằng mình hạnh phúc, để con trẻ tự tin thì bạn cần phải tràn đầy tự tin.” Tình yêu thương vô bờ bến của người cha đã làm ông thay đổi: Mặc kệ mọi người trên thế giới này coi thường con mình, nhưng làm cha thì cần phải ngắm con bằng nước mắt, ôm, khen ngợi con. Mỗi đứa trẻ đều chào đời bằng những tình cảm thiêng liêng, tốt đẹp ấy của cha mẹ. Với bạn, con cái là điều đẹp đẽ nhất của cuộc đời.
Chúng ta hãy xem tình cảm của ông Chu Công trong việc giáo dục con gái như thế nào nhé: Phát âm cảm thấy giọng nói có vẻ lạ, Đình Đình lo lắng hỏi cha: “Con nói có hay không cha?” thì ông Chu Công luôn trả lời “Giọng của con như những hạt ngọc trai va vào nhau lanh canh, nghe rất hay.”
Ông để bức ảnh thần đồng nhỏ tuổi nước Mỹ trên bàn học của con. Thấy con học quên ăn, quên ngủ thì ông vui mừng kéo con ra trước bàn nói: “con gái, con nhìn xem, con đã đạt được điều kiện đầu tiên để giống một thiên tài, đó là học bài quên ăn, quên ngủ. Con ơi, con không là thiên tài thì ai sẽ là thiên tài?”
Khi 8 tuổi thì Đình Đình đã biết tính đến 1000 đơn vị.
Lúc ấy, ông Chu Công thường nói: “Con chính là thiên tài, tài năng của con đã chứng minh được điều đó.”
Một lần, Đình Đình bị điểm kém môn toán, lúc đó ông chỉ cười nói: “Cũng được, không phải là con muốn làm con chim hải yến hay sao, bây giờ con đang phải bay trong bão gió đấy.”
Ông Chu Công luôn lấy bút mực đỏ gạch chân những câu hay nhất trong từng đoạn văn để con gái đọc to cho cả nhà cùng nghe và vỗ tay tán thưởng. Mỗi lần như vậy, cô bé thường tỏ ra vui sướng đến nỗi ngay cả trong mơ cũng đọc lẩm nhẩm những câu đó.
Chỉ số thông minh của Đình Đình là 105, thấp hơn nhiều so với chỉ số thông minh 130 của thần đồng, nhưng ông Chu Công luôn nói với con: “Trí thông minh chỉ đo được trí nhớ chứ không thể đo được sự nhanh nhẹn, tính giác ngộ, cha thấy những mặt ấy con rất cừ.”
Ông Chu Công cho rằng mình là một người cha biết giác ngộ vì “không phải tôi dạy con gái mà là con gái đang dạy tôi. Ngày nay, cha mẹ chỉ có một cơ hội như vậy trong đời. Chúng ta không thể tự giáo dục mình, chúng ta được tiếp thu nền giáo dục “đau khổ”, trước kia người lớn luôn yêu cầu chúng ta phải suy nghĩ đến mặt trái của mọi vấn đề, phóng đại sự khó khăn, cái này không đúng, cái kia sai, … luôn suy nghĩ theo chiều hướng xấu, nên lâu dần chúng ta không còn biết cảm nhận những sự vật tốt đẹp là gì. Trái tim trẻ thơ luôn suy nghĩ về những điều tốt đẹp, ở bên con gái, tôi cảm thấy mình cũng lớn dần lên như con. Tuy tôi là người bất hạnh nhất trên thế giới vì có cô con gái tàn tật, nhưng tôi lại là người may mắn nhất trên thế giới vì có cơ hội nhận thức bản thân mình nhờ con. Tôi đã nhặt lại được những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống, dù vấp rất đau nhưng may mắn là đã nhặt được cái quý báu nhất của cuộc đời.”
Ông Chu Công nói: “Không có ruộng đồng nào trồng không tốt mà chỉ có những người nông dân không biết trồng ruộng. Trẻ con Trung Quốc chủ yếu chỉ được tiếp nhận nền giáo dục vật chất, ít được nhận nền giáo dục tinh thần. Chúng ta luôn đem con mình ra so sánh với trẻ nhà khác mà quên đi những ưu điểm của chính bản thân chúng.”
Nhìn nhận con gái như một thiên tài; chiêm ngưỡng, khen ngợi, khuyến khích con chân thành là đặc điểm giáo dục độc đáo của ông Chu Công. “Trong quá trình giáo dục Đình Đình, điều tôi cảm nhận được nhiều nhất là biết chiêm ngưỡng, khen ngợi con gái của mình.”
Với sự rèn luyện và quan niệm tư tưởng như vậy nên Đình Đình đã từng bước đạt được những thành tích lớn lao:
Năm 6 tuổi, Đình Đình đã học được hơn 6000 chữ Hán. Khi bước vào học Trường tiểu học Phổ Năng thì một năm nhảy hai lớp, năm 8 tuổi học thuộc lòng và tính nhanh được bảng nhân chia 1000 đơn vị, phá vỡ kỷ lục Guiness, được bình chọn là một trong 10 đội viên tiên tiến nhất toàn quốc, là tấm gương người tàn tật điển hình của cả nước, năm 16 tuổi trở thành sinh viên câm điếc đầu tiên, nhỏ tuổi nhất của Trung Quốc; năm 20 tuổi được Trường đại học Caters của Mỹ nhận vào làm nghiên cứu sinh, cô nghiên cứu sinh câm điếc Trung Quốc này đã từng có bài phát biểu trước 7000 ngàn người ở Đại lễ đường Nhân dân nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.
Mọi người gọi Đình Đình là “Thần đồng”, là “Phi thường”. Còn ông Chu Công tỉnh táo nhận ra rằng con gái mình là một đứa trẻ hết sức bình thường, cháu được như vậy là do có cách giáo dục đúng. Chỉ cần cách giáo dục đúng thì tất cả những đứa trẻ khác 1 đều có thể giỏi bằng hoặc giỏi hơn cả Đình Đình. Ông cho rằng, không phải chỉ có những đứa trẻ phi thường mới phát triển khác với những đứa trẻ bình thường, thực ra những đứa trẻ bình thường bị nhiều áp lực nên không thể phát huy cao độ được năng lực của mình.
Chu Công đã giáo dục Đình Đình thành công nhưng cách giáo dục của ông liệu có áp dụng rộng rãi được hay không? Bằng cách giáo dục này liệu có đào tạo ra một Đình Đình thứ hai, thứ ba hay không? Ông coi con mình như một cái cây và đã nhìn thấy cả một vạt rừng bát ngát qua cái cây này. Ông thành lập Trường học trẻ em câm điếc Đình Đình, chiêu sinh trong cả nước. Trường học áp dụng cách giáo dục rất phương Tây, kết hợp chơi mà học, học mà chơi. Biểu ngữ của trường là “Thầy có vui không, trò có vui không, chúc mọi người ngày ngày vui vẻ!” Họ dạy học không có bài trước bài sau, giáo án giáo trình cụ thể mà tất cả đều được căn cứ vào hứng thú của học sinh. Chơi số học, chơi ngữ văn, … Sau vài năm phát triển, trường học này đã lập được nhiều thành tích, trở thành cây đại thụ trong làng giáo dục, đào tạo ra nhiều đứa trẻ thông minh như Đình Đình, được giới thông tin đại chúng gọi là “hiện tượng Chu Đình Đình”, ông Chu Công từng nói “Đình Đình là đứa trẻ tuyệt vời, nhưng những đứa trẻ khác cũng rất tuyệt vời. Những gì Đình Đinh có thể làm được thì những đứa trẻ khác cũng có thể làm được.”
Sự xuất hiện của Chu Đình Đình là một sự kiện lạ. Ai cũng muốn sẽ ngày càng có nhiều Đình Đình xuất hiện.
Những đứa trẻ câm điếc có tiềm lực dồi dào đến thế thì tại sao những đứa trẻ lành lặn, bình thường lại phát triển chậm chạp như vậy?
Câu chuyện này đã làm rung động biết bao trái tim của các bậc cha mẹ có con không may bị tật nguyền. Biết tin, họ vội xin cho con mình theo học ở trường của Chu Công. Như vậy, không chỉ đã xuất hiện hàng loạt những đứa trẻ tật nguyền thông minh mà còn đốt lên biết bao ngọn lửa hy vọng cho nhiều đứa trẻ tật nguyền đang giãy giụa trong đau khổ. Tiếp xúc với ông Chu Công, chúng ta không quá ngạc nhiên vì tình yêu vĩ đại của một người cha, mà là chính tình yêu ấy đã khiến cha con ông ngoan cường chống lại số phận, biến ông từ một người rất đỗi bình thường, đã từng ngưỡng mộ những người cha khác, trở thành một chuyên gia giáo dục nổi tiếng, thay đổi số phận của nhiều gia đình, làm cô bé Đình Đình từ một cô bé tự ti, hay xấu hổ, một đứa trẻ câm điếc không được mọi người thông cảm trở thành cô sinh viên đại học giỏi giang, biết sống tự lập, và đem niềm vui đến cho người khác. Họ vốn là hai cha con bị số phận trêu đùa nay được hưởng thụ niềm vui của cuộc sống.
Ông Chu Công đã tổng kết được “phải biết khen ngợi chân thành người khác. Hãy giơ cao ngón tay cái nói lời chân thật với người ta “anh rất giỏi”. Thoạt đầu, tôi cũng không làm nổi điều đó, nhưng sau này nghĩ ra khi mình giơ ngón tay cái nói “anh rất giỏi” thì 4 ngón tay còn lại sẽ hướng về bản thân mình nói “anh rất giỏi, nhưng tôi còn giỏi hơn!”
Đây là câu nói vui nhưng chứa nhiều hàm ý sâu xa. Các bạn thấy đấy, một đứa trẻ câm điếc có thể vượt qua chính mình, đi du học nước ngoài bằng học bổng, chiến thắng mọi khó khăn thì lẽ nào những đứa trẻ bình thường, lành lặn như con của chúng ta lại không giành được thành công như vậy?