Contents
Giàu Có Nhất Có Phải Là Người Tiết Kiệm Nhất
Tiết kiệm là của cải của người nghèo, là trí tuệ của người giàu. Người giàu nhất trên thế giới cũng là người tiết kiệm. Tiết kiệm là nghệ thuật sắp xếp hợp lí của cải để trở thành các nhà triệu phú, tỉ phú.
NGƯỜI GIÀU CÓ NHẤT LẠI LÀ NGƯỜI TIẾT KIỆM NHẤT
Dòng họ Rockefeller nổi tiếng toàn cầu, đã trở thành cái tên tiêu biểu cho những nhà tỉ phú giàu có ở Mĩ. Người sáng lập ra tập đoàn tư bản lũng đoạn này là Rockefeller. Ông đã tiết kiệm cả đời để trở thành giàu có. Năm 1839, ông sinh ra trong một gia đình bác sĩ, cuộc sống không dư dật lắm, điều kiện khó khăn đã rèn giũa cho ông tinh thần tiết kiệm và phấn đấu. Khi sắp 16 tuổi, ông quyết tâm tự lập nghiệp, thường xuyên nghiên cứu làm thế nào để làm giàu, nhưng suy nghĩ mãi vẫn chưa tìm được cách. Một hôm, đọc được trên báo thấy mục quảng cáo tuyên truyền một cuốn sách về bí quyết phát tài, ông vội lần theo địa chỉ trên quảng cáo đến hiệu sách mua cuốn sách này. Cuốn sách có bọc bìa rất đẹp nên không thể tùy ý lật giở ra xem. Ông mua xong rồi vội vàng về nhà mở ra đọc, lật mở sách ra thì chỉ thấy trong sách có in hai chữ “cần kiệm”, ông vừa bực vừa thất vọng.
Rockefeller trằn trọc cả đêm không ngủ được, bực bội vì tác giả cuốn sách Bí quyết phát tài đã lừa người để lấy tiền, rồi suy nghĩ kĩ lại tác giả sao chỉ viết có hai chữ trong cuốn sách, càng nghĩ ông càng cảm thấy cuốn sách nói có lí, cảm thấy muốn làm giàu đúng là phải cần kiệm. Sau khi đã hiểu ra, từ đấy ông ra sức lập nghiệp, phấn đấu không mệt mỏi và rất chú trọng đến việc tiết kiệm tích trữ. Chính vì vậy sau hơn năm năm làm việc với tinh thần tiết kiệm bớt ăn, bớt mặc, ông đã tích lũy dược gần 1000 đô-la Mĩ. Cuộc sống trải qua nhiều năm vừa làm vừa nghiên cứu, Rockefeller đã thấy rõ mục tiêu lập nghiệp của mình là: Kinh doanh dầu mỏ.
Năm 1859, Rockefeller đầu tư số tiền vốn có hạn của mình cùng bạn ông lập công ty khai thác dầu mỏ, công ty nhanh chóng khoan được giếng dầu đầu tiên. Lúc đó nước Mĩ đang xuất hiện “cơn sốt khai thác dầu mỏ”, Rockefeller đã sử dụng số vốn và dầu mỏ mà mình khai thác được và mua thêm một số dầu của người khác, tiến hành tinh chế ở Cleveland. Đến năm 1863, nhà máy lọc dầu này của ông đã phát triển đến một quy mô nhất định. Rockefeller giỏi vận động, thông qua các biện pháp kinh tế, ông đã bí mật giành được ưu tiên về vận chuyển đường sắt để vận chuyển dầu, từ đó đã tăng cường sức cạnh tranh, từng bước thôn tính được một số nhà máy lọc dầu nhỏ. Đến năm 1869, nhà máy lọc dầu của ông mỗi ngày có thể sản xuất được 1500 thùng dầu thành phẩm và đã trở thành nhà máy lọc dầu lớn nhất nước Mĩ lúc bấy giờ. Tháng 1 năm 1870 Rockefeller đã chuyển nhà máy lọc dầu của ông thành công ty cổ phần, lấy tên chính thức là công ty Stanrdard Oil, công ty này có sức cạnh tranh lớn đã chiến thắng được các đối thủ mạnh mẽ, giành được cổ phần của 38 công ty dầu mỏ khác, khống chế được trên 90% thị phần công nghiệp lọc dầu nước Mĩ, xác lập được vị trí đầu sỏ trong công nghiệp dầu mỏ. Đến năm 1895, các nghiệp vụ của công ty không ngừng đẩy mạnh, doanh thu của công ty đạt tới 64,76 triệu đô-la Mĩ, chiếm vị trí thứ 22 trong số 500 công ty lớn nhất thế giới.
Rockefeller, bên cạnh sự tăng cường nhanh chóng về thực lực “đế quốc dầu mỏ” đã kéo theo nghiệp vụ kinh doanh phát triển ở các lĩnh vực như tiền tệ, công nghiệp và một số sự nghiệp công cộng. Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, ông thu mua công ty bảo hiểm nhân thọ của Mĩ. Năm 1929 ông lại giành được quyền kiểm soát ngân hàng. Đến năm 1935, Rockefeller đã có gần 100 công ty ở nước ngoài, ông nhanh chóng từ “vua dầu mỏ” nước Mĩ trở thành “vua dầu mỏ” thế giới, lúc đó vốn của ông đã đạt tới 6,6 tỷ đô-la Mĩ.
Rockefeller tay trắng làm nên sự nghiệp, trở thành một tỉ phú nổi tiếng, một trong những bí quyết làm giàu của ông chính là chú trọng và kiên trì hai chữ “cần kiệm”. Đến cuối đời, ông đã trở thành một trong ba nhà tỉ phú lớn nhất nước Mĩ. Có một lần, khi đi công tác ở Washington, ông đã đăng kí một phòng khách sạn rẻ nhất. Giám đốc khách sạn kinh ngạc hỏi: “Thật kì cục, thưa ông Rockefeller, con trai ông đến đây luôn đăng kí phòng ở tốt nhất, ông lại ở phòng rẻ nhất, có nguyên nhân gì không?”. Rockefeller cười nói: “Ồ, đơn giản thôi, con trai tôi là đứa có phúc, nó có một ông bố giàu có, còn tôi thì lại không!”. Câu chuyện này ẩn chứa một triết lí rất sâu sắc.
Các đầu sỏ dầu mỏ thế kỉ 19 có rất nhiều, cuối cùng chỉ mình Rockefeller là có phong cách riêng, thành công của ông không phải là ngẫu nhiên. Các chuyên gia đã phân tích kĩ con đường làm giàu của Rockefeller và phát hiện ra: Tính toán tỉ mĩ kĩ càng là nguyên nhân chủ yếu giúp ông giành được thành công.
Năm 16 tuổi Rockefeller phải bỏ học để làm nghề kế toán. Công việc đầu tiên của ông là làm kế toán cho một công ty, điều đó đã đặt cơ sở tốt đẹp cho những tính toán số liệu sau này của ông. Do đức tính chăm chỉ, cẩn thận, nghiêm túc và luôn làm tốt chức trách nhiệm vụ của mình, có nhiều lần ông tìm ra sai sót trong hóa đơn trao trả của các hãng buôn, nên đã tiết kiệm cho công ty những khoản chi rất lớn, vì vậy ông được ông chủ khen ngợi, tín nhiệm.
Sau này, trong công ty của mình, Rockefeller lại càng chú ý hơn đến tiết kiệm. Hàng ngày, vào mỗi buổi sáng, khi đến công ty là ông yêu cầu các bộ phận gửi báo cáo tính sổ. Qua nhiều năm rèn luyện thử thách với các hãng buôn, Rockefeller có thể kiểm tra được tất cả các con số trong báo cáo về phiếu chi, phiếu thu, tổn hại và lợi ích, và có thể phát hiện ra vấn đề để từ đó kiếm tra công việc của các bộ phận. Năm 1879 ông viết thư cho một giám đốc nhà máy tinh dầu để chất vấn: “Tại sao các anh tinh chế dầu thô lại phải tiêu 1,82 xu, còn nhà máy tinh dầu ở phía đông cũng làm công việc như vậy chỉ tiêu có 0,9 xu?”. Đến ngay cả cái nắp nút thùng dầu có giá trị rất nhỏ ông cũng không bỏ qua, ông đã từng viết thư như thế này: “Tháng trước các anh báo cáo có 1119 chiếc nắp, đầu tháng này gửi cho các anh một vạn chiếc, tháng này nhà máy các anh sử dụng 9527 chiếc, hiện nay báo cáo còn thừa 912 chiếc, như vậy 680 chiếc nữa đi đâu rồi?”. Ông nhìn thấy từng chân tơ kẽ tóc, truy cứu đến cùng không để cho người khác làm qua quýt. Cũng như sau này có người đã đánh giá ông là người dẫn đầu về phân tích thống kê, tính toán giá thành và tính giá đơn vị, là nền tảng của cả doanh nghiệp lớn hiện nay.
Rockefeller đã từng hạ thấp giá thành dầu mỏ như vậy, những công ty dầu mỏ tiêu chuẩn phải luôn luôn nhận thức được rằng dầu tinh chế là vì người nghèo, họ phải mua được hàng hóa có giá rẻ, có chất lượng tốt. Để tiết kiệm chi phí trong điều kiện khách quan cho phép, công ty tiêu chuẩn của Rockefeller cố gắng tự cung cấp đủ, không để cho công ty nào khác nhảy vào một khâu sản xuất bất kỳ để kiếm tiền. Đó chính là cách kinh doanh khép kín, mục tiêu phấn đấu của công ty trưởng thành trong thế kỉ 20.
Với phương châm chỉ đạo này, công ty của ông đã tự chế tạo sản xuất thùng dầu. Rockefeller đầu tư và đích thân chỉ đạo kinh doanh, chế tạo ra những toa xe chứa dầu, cho công ty tự sử dụng, rồi cung cấp cho đường sắt sử dụng, làm cho hiệu suất vận chuyển được nâng cao và cũng tránh được rò rỉ dầu. Lắp đặt thùng dầu cũ trên các toa chở hàng đã sử dụng được không gian vận chuyển hàng hóa rất có hiệu quả, đó là kết tinh trí tuệ của Rockefeller.
Đối với các khoản chi tiêu trong cuộc sống, chúng ta cũng phải tính toán kĩ càng giống như Rockefeller, vì đó quả thực là một phương pháp để làm giàu. Nhiều cuốn sách nêu rõ quan điểm làm giàu, chìa khóa của sự giàu có chính là “liệu cơm gắp mắm”. Rất nhiều nhà tỉ phú chỉ mặc những bộ comple may sẵn, đi xe bình thường và mua những hàng hóa bình thường trên thị trường.
Có một người trẻ tuổi làm chủ đại lí cổ phiều, mỗi năm anh ta kiếm được 80.000 đô-la Mĩ. Anh muốn mua một ngôi biệt thự, theo tài khoản của anh ta thì cần mua những đồ đạc có giá trị vừa đúng với mức lớn nhất mà ngân hàng có thể cho vay. Còn một cặp vợ chồng khác, thu nhập mỗi năm của họ cũng trên 8 vạn đô-la Mĩ, nhưng họ lại đi xe buýt đi làm và họ coi việc làm thêm giờ là bình thường như cơm bữa. Liệu có phải là có chức vụ và trình độ thạc sĩ về quản lí công thương là phải sống một cuộc sống xa hoa không? Kĩ xảo quản lí tài chính ai cũng biết, muốn tích lũy của cải phải có hai phương pháp lớn là tăng thu, giảm chi. Tăng thu thì phải tốn công sức, còn giàm chi, tiết kiệm thì đơn giản dễ làm. Nhưng chúng ta lại hay bỏ qua việc tiết kiệm.
Hai chuyên gia tiết kiệm của Canada đã ra một tờ báo, đưa ra phương pháp cụ thể khả thi, dạy bảo người khác tiết kiệm trong cuộc sống. Một người tên là Nicoson, ông sống trong thời kì chỉ biết tuân theo các tín điều. Tín điều: “Dùng đến khi hỏng, mặc đến khi rách, không dùng nữa cũng có lúc cần”. Đã rất nhiều năm rồi, ông cảm thấy sống giản dị một mạc cũng rất tốt, liền biên tập, xuất bản tờ báo tháng: “Báo của những người tiết kiệm”.
Trong tờ báo này ông đã đưa bí quyết nhỏ để kiếm tiền làm giàu như sau:
+ Không ngừng tích bớt tiền lương ra để gửi tiết kiệm, 5%, 10%, 25% đều được. Dù thế nào cũng nhất định phải gửi tiết kiệm.
+ Phải làm rõ tiền của bạn mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng tiêu vào đâu, và phải có bảng dự toán chi tiêu chi tiết.
+ Kiểm tra đối chiếu tất cả phiếu thu xem thương gia có thu nhiều phiếu không.
+ Thẻ tín dụng chỉ giữ một chiếc, có thể chứng minh bản thân là đủ rồi, các khoản nợ phải trả hết hàng tháng.
+Tự mang thức ăn, cơm đi làm, như vậy mỗi tuần có thể tiết kiệm thêm được tiền ăn trưa khoảng 45 đô-la.
+ Đi làm chung xe với người khác hoặc đi làm bằng phương tiện giao thông công cộng để tiết kiệm được tiền gửi xe, tiền xăng dầu, tiền bảo hiểm, hao tổn xe ô tô và thời gian tìm chỗ đỗ xe.
+ Khi mua đồ đừng quên phải nghĩ xem “tiêu khoản này có đáng không”. Hàng rẻ chưa chắc đã tốt, hàng đắt chưa hẳn đảm bảo chất lượng.
Một “chuyên gia tiết kiệm” nữa tên là Dast – Jame, có biệt hiệu “nhà tiết kiệm cuồng nhiệt”, tự xuất bản tờ báo hàng tháng mang tên: Hoàn toàn là nô tài giữ của. Tờ báo ra đã được 6 năm, cung cấp cho độc giả những bí quyết nhỏ tiết kiệm tiền để làm giàu, như: Làm thế nào để tự chế tạo ra loại bánh mì tổng hợp đủ dinh dưỡng, ngon miệng và rẻ. Cả hai chuyên gia làm giàu này đều nhấn mạnh rằng: 1 đô-la Canada tiết kiệm được còn lớn hơn 1 đô-la Canada kiếm được. Dasy – Jame nói: nếu bạn muốn kiếm tiền thì bạn có hai con đường là “tìm một nghề có lương cao hơn” hoặc “chịu khó tiết kiệm tiền”. Bà còn nói: “Nhiều độc giả của tôi còn nói cho tôi biết họ đã áp dụng con đường thứ hai và thực hiện được mơ ước”. Tại sao nghề có lương cao lại chưa chắc đã làm cho người ta giàu có? Nicoson đã đưa ra một ví dụ: Một quan chức cấp bộ trưởng, tuy có tiền lương hàng năm là 15 vạn đô-la Canada, nhưng để giữ thể diện của quan chức cấp cao, ông ta đã phải tiêu số tiền rất lớn vào ăn mặc, xe cộ, ngoại giao, tiền gửi xe, bảo hiểm,… thực tế thì ông ta không giữ lại được tiền. Nicoson chỉ rõ: muốn thông hiểu đạo lí này, ông ta từ chức tìm một công việc “thấp” hơn, sống đơn giản hơn một chút thì ngược lại ông ta lại giữ được nhiều tiền hơn trước. Những người giàu có thực sự thường không sống ở những khu cao cấp chói mắt nhất, mà thường ở những khu tập thể bình thường và cũng không đi những chiếc ô tô bóng nhoáng đắt tiền nhất, và cũng không nhất thiết phải thay xe. Điều quan trọng hơn là những người giàu có đều hiểu được việc tiết kiệm và đầu tư. Vì vậy có người cho rằng: hình dung người giàu có một câu xác đáng nhất: tiết kiệm, tiết kiệm, tiết kiệm thêm nữa.
Một cuốn từ điển đã định nghĩa: “tiết kiệm là hành vi sử dụng nguồn tiền vốn”, từ phản nghĩa của nó đương nhiên là lãng phí, lãng phí có thể định nghĩa là phương thức sống phô trương xa hoa, tiêu pha quá mức. “Miệng ăn núi lở” cứ ngồi mà ăn đương nhiên sẽ hết của. Trong quá trình làm giàu, vừa phải tăng thêm thu nhập, vừa phải tiết kiệm. Tiết kiệm không chỉ có thể giữ được của cải mà còn là biện pháp cơ bản để tăng thêm của cải. Rèn luyện đức tính cần kiệm là một trong những phẩm chất mà người giàu có cần phải có.
Từ những người giàu có thành công chúng ta đều nhìn thấy bản chất chung của họ là tiết kiệm. Thế nhưng có nhiều nhà doanh nghiệp, thương nhân hiện đại lại không nghĩ tác phong tiết kiệm, tính toán tỉ mỉ là đúng, họ còn cho rằng như vậy là quá cổ hủ, hà khắc với bản thân mình. Có một số người mới phát, sự nghiệp phát triển nhưng lại mất dần cái gốc là tiết kiệm, coi việc tiêu tiền hoang phí là mục đích của cuộc sống, họ không chỉ tiêu những món tiền khổng lồ để đổi lấy cuộc sống vật chất thoải mái, mà quan trọng hơn là muốn dùng tiền để mua cho mình cảm giác khác thường, vậy là lóa mắt, sống xa hoa vô độ, hoang phí. Có thể đoán được với cách sống như thế thì cho dù có là tỉ phú thì cũng “miệng ăn núi lở”.
Một người có đến mấy bằng tiền sĩ. Lúc trẻ, do tài năng xuất chúng nên được nhiều công ty trọng nể, nên ông ta không buồn vì không có việc, cảm thấy danh tiếng của mình rất hiển hách. Hàng năm ông ta đều tiêu hết tiền, cùng với các cô gái đi du lịch khắp thế giới, không đến Thái Lan cưỡi voi trong rừng rậm thì cũng đi du lịch châu Âu tận hưởng các cuộc tình lãng mạn. Đến khi hơn 50 tuổi ông ta đã trải qua mấy cuộc hôn nhân. Thói ăn chơi hoang phí đã khiến ông ta nghèo rớt mồng tơi và rơi vào cảnh thất nghiệp. Sau này khi 70 tuổi, ông vẫn phải tất bật ngược xuôi để giải quyết vấn đề cuộc sống.
Tiền dù nhiều nữa thì cũng chỉ có hạn, ngồi ăn không thì kiểu gì chẳng hết. Không tính toán cẩn thận, cho dù có ngẫu nhiên giàu lên, nếu không tiết kiệm thì cũng không giàu được mãi.
Đúc kết
“Tiết kiệm là đức tính quý báu mà chúng ta cần phải có. Tiết kiệm tỉ lệ thuận với lợi nhuận”.