Trẻ Muốn Ăn Kiêng Chúng Ta Nên Làm Như Thế Nào?
KHI TRẺ NÓI RẰNG MUỐN ĂN KIÊNG, CHÚNG TA NÊN XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?
Trẻ Muốn Ăn Kiêng Chúng Ta Nên Làm Như Thế Nào?
Ngoại trừ trường hợp trẻ có khuynh hướng mắc bệnh béo phì hay những bệnh liên quan đến thói quen sinh hoạt thường ngày, thì nhìn chung trẻ không cần thiết phải ăn kiêng. Vấn đề là trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều người trẻ tuổi ăn kiêng hơn trước.
Trong một cuộc khảo sát, câu hỏi được đặt ra cho những cô gái tham gia là: “Bạn bắt đầu ăn kiêng từ khi nào?” thì có tới 50% trả lời là “cấp 3”, 30% trả lời là “cấp 2”, và cũng không ít trẻ em tiểu học đã bắt đầu quan tâm đến dáng vóc cơ thể mình.
Thế nhưng, nếu ăn kiêng trong thời kỳ phát triển sẽ gây hại cho cơ thể, đặc biệt là sự phát triển của xương.
Xương chúng ta bắt đầu phát triển từ khi còn ở trong bụng mẹ, sự trao đổi chất được lặp đi lặp lại liên tục, trong vòng một năm lượng xương sẽ tăng lên 20~30% và thời kỳ dậy thì là giai đoạn xương phát triển hoàn thiện. Ở nữ giới, thời kỳ phát triển bắt đầu sớm hơn nên ở nửa cuối giai đoạn dậy thì là thời gian phát triển mạnh nhất. Sau đó thì giảm từ từ và ở thời kỳ mãn kinh sẽ giảm nhanh nhất.
Tóm lại, nửa cuối giai đoạn dậy thì là thời điểm quan trọng nhất cho việc phát triển khung xương. Khung xương có phát triển vững chắc trong thời kỳ này hay không sẽ ảnh hưởng đến độ mạnh khỏe của xương sau này. Việc ăn kiêng sẽ khiến cho cơ thể không thể hấp thụ được calcium và những dưỡng chất cần thiết khác, khiến cho khung xương bị suy yếu.
Thêm vào đó, việc lưu thông máu trong cơ thể cần sử dụng một lượng calcium nhất định được lấy từ trong xương. Nếu lượng calcium trong xương không được bổ sung qua việc ăn uống thì xương sẽ mềm và giòn hơn. Khi đó, dù chỉ ngã nhẹ bạn cũng có thể bị gãy xương.
Để giúp cho xương của trẻ phát triển tốt là trọng trách của các bậc làm cha mẹ. Giả sử con nói với bạn rằng: “Con muốn ăn kiêng”, bạn phải giúp cho bé hiểu được những mối nguy hại có thể xảy ra nếu ăn kiêng ở độ tuổi của mình. Không chỉ có vậy, bạn phải cho bé hiểu được tầm quan trọng của việc cân bằng chế độ dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày.
Nếu bé bị thừa cân, bạn cũng nên nhớ không được cắt giảm những yếu tố dinh dưỡng thiết yếu. Ví dụ như bạn có thể thay các món ăn vặt hay các món nhiều chất béo bằng rau và các loại ngũ cốc. Tập thói quen ăn uống chậm rãi trong bữa ăn, tăng thời gian vận động cơ thể… Chúng ta hãy giúp bé giảm cân bằng các phương pháp hợp lý tốt cho sức khỏe nhé!