Trước khi đi tìm hiểu khái niệm về IFTTT là gì thì chúng ta cùng tìm hiểu đôi chút về thế giới công nghệ nhé.
Hiện nay chúng ta đang sống trong một thế giới mang tính kết nối cao. Bạn thường nghe người ta nói rằng Internet đã làm cầu nối để giúp các dịch vụ, tiện ích trên mạng có thể liên kết và phục vụ đời sống hằng ngày của con người. Thế nhưng thực chất các dịch vụ, tiện ích hay trang web đó vẫn còn là những mảng rời rạc, tương tự như những hòn đảo ở đại dương vậy, chứ chúng chưa thật sự bắt tay nhau một cách chặt chẽ. Ví dụ nhé, một ghi chú trong Evernote không thể nhanh chóng lưu thành file văn bản trên Dropbox, một tấm ảnh post lên Facebook hay Instagram thì không tự post lên Flickr. Để giải quyết vấn đề này, dịch vụ If This Then That (IFTTT) đã ra đời và giúp thu hẹp khoảng cách giữa các dịch vụ trên Internet. Nó cũng giúp tự động hóa hàng loạt các thao tác trên mạng mà nếu không có IFTTT, chúng ta phải thực hiện thủ công và mất thời gian vô cùng.
Đây là một dịch vụ web trung gian. Nó đứng giữa hai dịch vụ để thực hiện một tác vụ khi một điều kiện nào đó xảy ra, bởi vậy mới có cái tên If this (nếu điều này xảy ra) then that (thì làm việc kia). Toàn bộ hoạt động của IFTTT dựa hết vào nguyên lý này, và cứ mỗi một lệnh IFTTT thì được gọi là một “công thức”, hay recipe. Như đã nói ở trên, một recipe ví dụ có thể kể đến là “Nếu một tấm ảnh mới được đăng lên Facebook thì hãy upload nó lên Dropbox”.
Để sử dụng được IFTTT, trước hết bạn hãy truy cập vào trang web IFTTT.com và đăng kí cho mình một tài khoản miễn phí. Dịch vụ này cũng có một ứng dụng cho iPhone, cái này mình sẽ nói sau.
Sau khi đăng kí thành công tài khoản IFTTT, bạn sẽ được yêu cầu kích hoạt các “Channel”. Đây thực chất là tên gọi mà IFTTT dành cho các dịch vụ online khác mà IFTTT hỗ trợ, ví dụ như Dropbox, Facebook, Email, ESPN, Feedly, Foursquare, Flickr, Evernote, một vài app iOS, Instagram, Gmail, Google Calendar, GTalk, YouTube… Tính đến thời điểm viết bài này thì IFTTT đang có tất cả 69 Channel.
Sau mỗi channel mà bạn kích hoạt, biểu tượng của channel đó sẽ chuyển sang màu sắc tươi tắn chứ không còn màu xám như trước. Tất nhiên là chúng ta không cần phải kích hoạt hết tất cả dịch vụ cùng lúc, khi nào cần đến dịch vụ nào đó thì chúng ta cũng có thể kích hoạt sau. Nếu không có tài khoản của một channel nào đó thì cũng chẳng sao, không vấn đề gì cả.